Vì sao lò hơi bị nổ?
Nếu bạn để ý sẽ thấy, sau khi đun nước, trong ấm dần dần lắng đọng một lớp cặn trắng, dày và cứng, bám chắc trên bề mặt kim loại, rất khó rửa sạch. Các lò hơi lớn trong nhà máy sau thời gian dài đun nóng bị cặn đóng dày, có thể làm tắc ống dẫn nước, gây nổ lò hơi.
Bản thân nước không có cặn, nhưng trong nước thiên nhiên chứa một ít tạp chất như canxi sunfat CaSO4, magie sunfat MgSO4, canxi bicacbonat Ca(HCO3)2, magie bicacbonat Mg(HCO3)2, cùng với các muối natri, muối kali khác. Thông thường nước ngầm (nước giếng) có chứa nhiều muối hơn nước trên mặt đất (sông, hồ…). Nước có chứa nhiều muối được gọi là nước cứng, nước chứa ít muối gọi là nước mềm.
Khi đun sôi nước trong lò hơi, canxi bicacbonat và magie bicacbonat khi đun nóng sẽ bị phân huỷ sinh ra các kết tủa canxi cacbonat, magie cacbonat, lắng đọng ở mặt trong thành lò. Ngoài ra, canxi sunfat và magie sunfat cũng lắng lại mặt bên trong lò hơi làm cho lớp cặn càng bền chắc hơn. Cặn lò dẫn nhiệt kém, vì thế để làm cho nước sôi cần nhiệt độ cao hơn, khiến cho nhiệt độ trong lò hơi quá cao, áp suất tăng mạnh, vách lò hơi không chịu đựng được dẫn đến nguy cơ làm nổ lò.
Để làm mềm nước (làm mất độ cứng của nước), có thể sử dụng hai phương pháp: vôi - sôđa và phương pháp trao đổi ion. Theo phương pháp đầu tiên, người ta cho vào nước một nhũ tương hỗn hợp đá vôi - sôđa (natri cacbonat). Các ion canxi và magie trong nước cứng sẽ bị kết tủa, sau đó được lọc để loại bỏ kết tủa này. Nước đã làm mềm đem đun trong lò hơi thì vách lò hơi sẽ không bị đóng cặn nữa.
Đăng nhận xét